top of page
  • Ảnh của tác giảY Nhu

Hành động để vượt qua khủng hoảng hiện sinh

Không ai muốn sống một cuộc đời vô nghĩa. Những người như Phương thường tự vấn bản thân sâu sắc về mục đích hoặc ý nghĩa của cuộc sống. Phương, cũng như bao bạn bè của anh trong lớp cử nhân nâng cao của trường Luật năm xưa, thường quan tâm và tìm kiếm ý nghĩa sự tồn tại của bản thân. Hoài bão, lý tưởng, đã từng là những điều khiến anh dốc lòng dùi mài đèn sách, như ánh sáng của ngọn hải đăng khiến người lái tàu an tâm giữa biển cả bao la. Bây giờ, khi không thể tìm kiếm được câu trả lời thỏa đáng về sự tồn tại của bản thân, anh thường cảm thấy thất vọng và không còn niềm vui sống. Nếu những câu hỏi ở phần 1 khiến bạn lo lắng về mức độ tác động của công việc đối với bản sắc cá nhân, hãy bắt đầu hành động để thay đổi. Bạn có thể tự mình thực hiện, hoặc nhờ tới sự hỗ trợ của chuyên gia trị liệu, người hiểu rõ những thách thức mà các cá nhân phải đối mặt trong sự nghiệp áp lực lớn.





GIẢI PHÓNG THỜI GIAN. Hãy biết giao và nhận nhiệm vụ phù hợp tại nơi làm việc để giải phóng thời gian, quan trọng là lấp đầy thời gian được giải phóng đó bằng các hoạt động không liên quan tới công việc. Bạn hãy mạnh dạn nhờ đồng nghiệp, thuê trợ lý, hoặc tuyển thực tập sinh. Để quá trình giao quyền đạt hiệu quả, bạn cần biết từ bỏ một số quyền kiểm soát liên quan tới công việc, và bản thân điều này cũng giúp ích trong quá trình rèn luyện kỹ năng lãnh đạo và văn hoá giao tiếp nơi công sở.


KHỞI ĐẦU ĐƠN GIẢN. Trong thời gian gặp khủng hoảng hiện sinh, Phương nhận thấy mình luôn cố gắng tìm kiếm một câu trả lời duy nhất cho một câu hỏi quá khó hoặc quá phức tạp. Điều này chỉ khiến anh trở nên lo lắng và tuyệt vọng hơn. Bạn của Phương, một người là chuyên gia tham vấn tâm lý đã khuyên anh hãy chia nhỏ các câu hỏi và lần lượt tìm câu trả lời. Ví dụ, thay vì hỏi "ý nghĩa cuộc sống là gì?" thì hãy bắt đầu tìm lại niềm vui từ những việc đơn giản qua một số sở thích cá nhân như nghe nhạc, khiêu vũ, mà chẳng cần cam kết gì quá lớn lao.


TÁI XÂY DỰNG MẠNG LƯỚI QUAN HỆ. Bạn nên ngồi xuống, dành thời gian xác định lại vòng kết nối gia đình, bạn bè và xã hội của bạn. Ở đó bạn không chỉ tìm thấy niềm vui, mà còn tạo lập nên mạng lưới hỗ trợ cho mình. Thậm chí, chỉ cần nhắn tin, email, hoặc gọi điện tới những người đã lâu bạn không liên lạc cũng có thể giúp tăng cường các mối quan hệ. Điều này không tốn quá nhiều thời gian. Tôi nhớ có đọc một nghiên cứu về tình bạn giữa người trưởng thành cho thấy việc có từ ba tới năm người bạn thân thiết và thường xuyên chia sẻ có tác động tích cực đến sự hài lòng và niềm vui sống của mỗi người.


QUYẾT ĐỊNH XEM ĐIỀU GÌ THỰC SỰ QUAN TRỌNG. Hãy xây dựng và xem xét kỹ các nguyên tắc và giá trị của bản thân. Điều gì quan trọng nhất đối với bạn? Bạn thực sự quan tâm đến điều gì thì hãy để điều đó dẫn dắt con đường phía trước của bạn. Coach của tôi thường vận dụng một quy trình được gọi là “Làm rõ giá trị cốt lõi” để giúp khách hàng suy nghĩ thấu đáo về những vấn đề quan trọng nhất đối với bản thân. Quy trình này bao gồm việc suy ngẫm về phương hướng mong muốn trong các khía cạnh như mối quan hệ, cộng đồng, nghề nghiệp, và nuôi dạy con cái, sau đó xếp hạng chúng theo mức độ quan trọng. Nếu bạn có thể viết ra thành một bản danh sách thì tuyệt rồi. Bạn thường hoạch định mục tiêu chiến lược cho team, cho công ty phải không? Vậy tại sao không làm điều đó cho bản thân bạn ngay hôm nay.


NHÌN XA HƠN CHỨC DANH CÔNG VIỆC. Bạn hãy cân nhắc điều chỉnh mối quan hệ đối với sự nghiệp không chỉ về mặt công ty và chức danh, mà còn về các kỹ năng có thể được vận dụng trong các bối cảnh khác nhau. Mặc dù việc gắn bản sắc cá nhân với sự nghiệp không phải lúc nào cũng xấu, nhưng nó dễ khiến bạn rơi vào cuộc khủng hoảng bản sắc trầm trọng một khi sức cùng lực kiệt, bị sa thải hoặc nghỉ hưu. Những người rơi vào hoàn cảnh đó thường xuyên cảm thấy lo lắng, trầm cảm, và tuyệt vọng. Bằng cách lấy lại một số thời gian cho bản thân, đa dạng hóa các hoạt động và mối quan hệ, bạn có thể tạo dựng bản sắc cân bằng và mạnh mẽ hơn phù hợp với các giá trị của mình.


NHỜ GIÚP ĐỠ TỪ CHUYÊN GIA TRỊ LIỆU Văn hoá Á đông thường khó chấp nhận những vấn đề tâm lý của bản thân. Nhưng tin mừng là sau Covid thì người ta đã nhận diện tầm quan trọng của sức khoẻ tinh thần và bắt đầu nghiêm túc thay đổi. Đã có nhiều trung tâm hỗ trợ, chuyên gia tham vấn tâm lý hơn (dĩ nhiên bạn cần tìm hiểu thông tin nhiều nguồn, đối chiếu, tham khảo chứ không phải chỉ theo dõi trên mạng xã hội rồi tin ngay nhé!) Nếu bạn nhận thấy vấn đề của mình bắt đầu trầm trọng, hãy mạnh dạn đến gặp bác sĩ tâm lý, người hỗ trợ (mentor, coach) để được giúp đỡ. Chấp nhận vấn đề của bản thân và tìm kiếm giải pháp, bạn sẽ tự cứu được mình trước.


Ai cũng cần có một công việc để kiếm sống. Nhưng nếu công việc đó bắt đầu có dấu hiệu tước đoạt niềm vui sống và đe doạ sự sống, hãy mạnh dạn từ bỏ. Luôn có lựa chọn và cơ hội khác dành cho bạn ngoài kia. Chúc bạn vui sống!

66 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page