Khủng hoảng hiện sinh là một khái niệm được nhắc đến nhiều trong triết học hiện đại. Soren Kierkegaard và Friedrich Nietzsche là hai nhà triết học được xem là những người đặt nền tảng cho chủ nghĩa hiện sinh. Họ chú trọng vào những sự trải nghiệm chủ quan của con người hơn những chân lý khách quan của toán học và khoa học, cái mà họ coi rằng quá xa cách để hiểu được những trải nghiệm của con người. Giống như Pascal, họ quan tâm đến cuộc đấu tranh thầm lặng của mỗi cá nhân với sự vô nghĩa của cuộc sống và việc sử dụng sự giải trí để tránh khỏi sự buồn chán. Không như Pascal, Kierkegaard và Nietzsche còn xem xét vai trò của sự lựa chọn tự do - đặc biệt là về những giá trị và niềm tin căn bản - và những lựa chọn đó thay đổi bản chất của người lựa chọn thế nào. (Trích wikipedia).
Phương, đối tác của một công ty luật lớn ở Hà Nội, đáng ra phải có mặt ở văn phòng, nhưng thay vào đó, anh lại nằm dài trên ghế sofa, mặc pajama và râu ria chưa cạo, thở dài ngao ngán. Tình trạng mất phương hướng, cảm thấy trống rỗng, không còn đam mê, nghi ngờ con đường đã qua và hoang mang về hành trình phía trước...Những tên gọi như "mid-life crisis", "khủng hoảng tuổi 20", "khủng hoảng hậu hôn nhân" là những thuật ngữ thường được nhắc đến.
Phương, cũng như một số người bạn học cùng trường khác, cảm thấy nỗi thất vọng với công việc ngày càng lớn hơn, rồi rốt cuộc anh cũng nhận ra: anh không tìm thấy hạnh phúc hay thỏa mãn trong công việc hiện tại. Là một người dành toàn bộ tâm lực xây dựng sự nghiệp, vậy mà giờ đây Phương lại đối mặt với ý nghĩa tồn tại của bản thân anh, của công việc này, của cuộc sống này. Anh là ai, nếu không phải là một luật sư đầy quyền lực? Liệu có phải anh đã lãng phí ngần ấy năm làm việc vô nghĩa? Liệu anh sẽ có thêm bạn bè và một gia đình hạnh phúc hơn nếu không thâu đêm suốt sáng cắm mặt ở văn phòng?
Nhiều người có công việc áp lực lớn cảm thấy không hài lòng với sự nghiệp của mình, dù đã nỗ lực cả đời để có được vị trí hiện tại. Ghét công việc của mình là một chuyện – nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu bạn một mực cho rằng điều đó có nghĩa là ghét luôn chính bản thân mình?
Các nhà tâm lý học sử dụng thuật ngữ “mắc kẹt” để mô tả tình huống bản sắc cá nhân ngày càng đánh mất tầm quan trọng của nó. Tình trạng mắc kẹt ngăn cản ý thức về bản thân phát triển một cách ổn định và độc lập. Phương – cũng giống như nhiều người có công việc áp lực lớn khác – đã mắc kẹt ngay trong sự nghiệp của chính mình. Chuyện này thường xảy ra với những người có áp lực nghề nghiệp quá lớn, tới lúc khiến họ phải cần đến những liệu pháp tâm lý toàn diện để giải quyết.
Văn hóa làm việc tại nhiều ngành áp lực lớn thường là thưởng cho những người làm thêm giờ bằng cách tăng lương, cho thăng tiến, và tăng uy vọng. Phương biết cái giá phải trả cho sự thăng tiến nhanh chóng là dành càng nhiều thời gian trong văn phòng (hoặc luôn kè kè với iPhone công ty). Tuy nhiên, khi bạn tham gia vào bất kỳ hoạt động cường độ cao nào trong phần lớn thời gian trong ngày, hoạt động đó sẽ có xu hướng trở thành trọng tâm đối với nhận thức bản sắc của bạn – chỉ bởi vì nó đã thay thế các hoạt động và mối quan hệ khác mà bạn có.
Một số nghề nghiệp hoặc thành tựu nghề nghiệp thường được đánh giá cao trong gia đình hay cộng đồng của một cá nhân. Cha mẹ Phương đều là luật sư, và dù không bao giờ thúc ép Phương theo nghề luật một cách rõ ràng, họ vẫn luôn đặt nhiều kỳ vọng vào thành tựu nghề nghiệp và tài chính của anh. Khi thành công trong sự nghiệp được coi là mục tiêu tối thượng của cuộc sống, người ta có thể cảm thấy bị mất kết nối với gia đình và bè bạn nếu họ không đạt được mức độ thành công nhất định nào đó. Nỗi sợ thất bại và đơn độc này khiến họ đặt trọng tâm cuộc sống vào việc đạt được những gì hằng kỳ vọng. Tuy nhiên, sự tập trung và áp lực cao độ này rốt cuộc khiến bản sắc cá nhân bị đánh đồng với công việc.
Khi áp lực công việc lớn song hành với mức lương cao, người ta có thể cảm thấy bản thân bước vào một giai tầng kinh tế xã hội mới. Không chỉ có nhà cao cửa rộng, xe sang, các kỳ nghỉ và tiện tích đột nhiên Phương không thể sống thiếu chúng – mà còn là bạn bè, những buổi tiệc tối, gala từ thiện. Bản sắc của chúng ta bị ảnh hưởng rất nhiều bởi cách chúng ta thể hiện mình với người khác. Khi ai đó hình thành bản sắc tập trung vào sự giàu có, thành tựu và tầm ảnh hưởng, họ buộc phải bám chặt lấy nghề nghiệp được trả lương cao đã đưa họ tới vị thế đó.
Ngay cả đối với những người không dốc toàn bộ tâm sức, việc xây dựng bản sắc riêng xung quanh sự nghiệp vẫn là một bước đi mạo hiểm. Sự cạnh tranh bất bình đẳng, việc phân biệt tuổi tác có thể gây khó khăn, nhất là đối với những người ở giai đoạn giữa và cuối sự nghiệp đang tìm một vai trò phù hợp trong lĩnh vực của mình sau khi bị sa thải. Bất kể như thế nào, việc đứt quãng sự nghiệp đã hình thành nên bản sắc của bạn sẽ dẫn tới những vấn đề lớn hơn, như trầm cảm, lo lắng, lạm dụng chất kích thích, và cô đơn.
Vậy, làm thế nào để bạn biết bản sắc của mình có bị mắc kẹt trong sự nghiệp hay không? Hãy xem xét những câu hỏi sau:
1. Bạn có nghĩ nhiều về công việc bên ngoài văn phòng? Tâm trí bạn có thường hướng về các vấn đề liên quan tới công việc không? Bạn có gặp khó khăn khi giao tiếp với những người không liên quan tới công việc hay không?
2. Bạn mô tả bản thân như thế nào? Phần mô tả này gắn liền với công việc, chức danh, hoặc công ty của bạn ra sao? Bạn có thể mô tả bản thân theo cách khác hay không? Bạn nhanh chóng cho những người mới gặp biết về công việc của mình tới mức nào?
3. Bạn dành phần lớn thời gian của mình ở đâu? Có ai từng phàn nàn rằng bạn ở văn phòng quá nhiều hay không?
4. Bạn có những sở thích không dính dáng gì tới các kỹ năng và năng lực liên quan tới công việc không? Bạn có thể kiên nhẫn dành thời gian rèn luyện các bộ phận khác của não bộ không?
5. Bạn sẽ cảm thấy như thế nào nếu không thể tiếp tục nghề nghiệp của mình? Điều này khiến bạn đau khổ tới mức nào?
(còn tiếp)
Comments