top of page
  • Ảnh của tác giảY Nhu

Điều gì làm nên một bài nói thành công?

Đã cập nhật: 12 thg 4, 2022

Hãy tưởng tượng bạn sẽ đại diện công ty lên phát biểu tại một chương trình gặp gỡ các sinh viên đại học nhận học bổng vào sáng ngày mai, bạn sẽ phải nói những gì? Dĩ nhiên bạn muốn mình phải nói thật hay, thật xuất sắc, nhưng những lời phát biểu khuôn sáo mà cô thư ký soạn vội cho bạn chiều hôm trước hẳn là bạn đã học thuộc từ lâu rồi, sự khách sáo và nhàm chán đó, bạn muốn thay đổi, vậy giờ nên bắt đầu từ đâu?


Có ba yếu tố chính tôi thường lưu ý trong các bài phát biểu do tôi viết cho mình hoặc cho các lãnh đạo: KHÁN GIẢ Ý TƯỞNG TRÌNH BÀY Khán giả “Nói cho ai” là yếu tố quan trọng đầu tiên. Bạn phải biết đối tượng sắp nghe mình nói là ai, họ quan tâm đến điều gì, bạn có thực sự muốn kết nối với họ không, hay chỉ muốn nói thật nhanh cho xong. Các bạn sinh viên quan tâm đến chủ đề xây dựng làng toàn cầu, cơ hội nghề nghiêp, chủ đề kết nối và tổ chức sự kiện, họ là khán giả của bạn ngày mai. Chủ đề nào là mối quan tâm chung của họ? Tại sao họ phải lắng nghe bạn? Hãy ngồi xuống, đặt bút làm rõ những điều trên. Khi bạn đã hiểu được mong muốn của thính giả, và giá trị của bạn sẽ mang lại để đáp ứng mong muốn đó, bạn đã có thể an tâm bắt đầu bài nói của mình. Ý tưởng Khi bạn thực hiện bài phát biểu đó, ý tưởng chính là gì? Nó hẳn không phải là kể lể về cuộc đời và sự nghiệp của bạn chứ? (những điều mà hẳn là người dẫn chương trình đã giới thiệu trước đó rồi). Ý tưởng chính là chiếc xương sống, hay là ánh sáng dẫn dắt cho toàn bộ bài nói. Tất cả, là ý tưởng, và khán giả có thể học được gì từ ý tưởng đó, không phải là về bản thân bạn, nhớ nhé! Ví dụ, Tedx là một mô hình chia sẻ ý tưởng qua các bài nói đầy cảm hứng. Một bài nói ở Ted hay Tedx là một bài nói xoay quanh một ý tưởng. Mỗi bài nói chỉ có một ý tưởng chính mà thôi. Khi bạn bắt đầu nói, ý tưởng này đi ra từ đầu bạn, nhưng khi bạn kết thúc bài nói, ý tưởng đó phải ở trong đầu khán giả. Bạn chỉ có đủ thời gian để phát triển một ý tưởng mà thôi. Một ý tưởng hay đáng giá hơn hai ý tưởng dở. Khi TEDxHanoi đề nghị tôi nói về chủ đề liên quan đến công việc truyền thông và đối ngoại mà tôi đang làm, tôi thực sự không biết nên lấy ý tưởng nào, vì có quá nhiều thứ để chia sẻ trong lĩnh vực này. Tôi bắt đầu tìm hiểu chủ đề chung của buổi hôm đó, đối tượng nghe chính là ai, rồi quyết định chọn ý tưởng “Làm sao để xây dựng quan hệ đối tác lâu dài trong việc phát triển cộng đồng”. Sau đó ý tưởng này phải được kết cấu thành 3 phần: dẫn dắt, phát triển, kêu gọi hành động. Nội dung Một bài nói hay không phải là việc người nói chia sẻ về ý tưởng đó, mà ở việc người nói giúp khán giả nhận ra ý tưởng đó. Tôi gọi đó là một hành trình cùng nhau khám phá, sự thú vị của mỗi cuộc nói chuyện, của mọi mối quan hệ, theo tôi mấu chốt nên giữ được hành trình này. Làm sao để người khác sẵn sàng đồng hành cùng mình? Đó phải là sự tin cậy nhất định để khán giả có thể cùng bạn lên chuyến xe du hành. Để làm được điều đó, tốt nhất hãy dùng ngôn ngữ của họ để bắt đầu bài nói. Tôi bắt đầu bài nói bằng cách đặt vấn đề “What if…”, nếu tôi nói với bạn rằng có một cách giúp bạn đạt được mục tiêu dễ dàng hơn, bạn có muốn nghe không? Các bạn ngồi đây hẳn ai cũng đang có một mục tiêu và cũng trăn trở làm sao để đạt được nó, vậy bây giờ nếu tôi chia sẻ với bạn cách thức đó, bạn có muốn nghe không? Đây chính là cách bắt đầu từ vấn đề người nghe đang quan tâm. Luôn luôn từ phía người nghe. Để giải thích cho ý tưởng này, tôi dùng ví dụ của các dự án đã làm, cách mình đã tìm đối tác cho những dự án cộng đồng ra sao. Từ đó họ sẽ thấy việc tìm đối tác để thực hiện ý tưởng không hề khó, chỉ là đừng tự làm khó mình bằng cách tự lên kế hoạch rồi thực hiện một mình. Tôi cũng có chia sẻ một khía cạnh khác của quan hệ đối tác, đó là hợp tác công-tư. Cụm từ này hẳn là mọi người có nghe nhiều, nhưng để hiểu nó rõ hơn, họ cần thấy ví dụ cụ thể, trả lời rõ hơn cụ thể nó là cái gì, tại sao nó cần thiết? Khi nào nó cần thiết? Để làm rõ hơn nữa, tôi đưa ra sự khác nhau giữa khái niệm “tài trợ” và “đối tác”, một bên là mỗi quan hệ cho-nhận xảy ra một lần, một bên là sự hợp tác cùng đạt được mục tiêu chung và lâu dài hơn. Để một lần nữa tôi khẳng định lại sự tích cực của quan hệ đối tác, các yếu tối xây dựng nên mối quan hệ đối tác thành công. Hãy suy nghĩ cách để cùng đạt được mục tiêu, cùng chung tay giải quyết những vấn đề phức tạp của thế giới mà hẳn là bạn không muốn và không thể giải quyết một mình. Trình bày Giữ giọng nói tự nhiên, vừa phải, tưởng tượng như mình đang nói chuyện với một ai đó, điều này dễ dàng tạo sự kết nối hơn. Di chuyển ít thôi. Nếu bạn di chuyển nhiều sẽ làm người nghe mất tập trung vào nội dung bài nói mà sẽ để ý đến cử động chân, tay và các chi tiết không cần thiết khác. Đảm bảo thời gian của toàn bài nói, không được quá dài. Mỗi câu cũng không nên quá dài, ngắt nhịp, ngắt hơi đúng chỗ, hợp lý. Luyện tập, luyện tập, luyện tập. Tập với nhóm lớn, một người, cả những người không phải là chuyên gia trong lĩnh vực này để xem họ có hiểu được những gì bạn nói không. Điều cuối cùng, hãy nhớ rằng nếu bạn muốn truyền cảm hứng đến người khác, thì nội dung nói nhất định không phải chỉ kể về bạn, mà là giúp họ nhận ra được điều gì đó sau bài nói. Đó là giây phút “ a ha” thú vị mà thực sự người nghe nào cũng muốn có. Chúc bạn thành công!

Y-Nhu Nguyen

17 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page