top of page
  • Ảnh của tác giảY Nhu

TẠI SAO SỞ THÍCH CÁ NHÂN LẠI QUAN TRỌNG?

Y-Nhu Nguyen #phattrienbanthan



Đã bao giờ bạn lúng túng không biết bắt chuyện thế nào khi gặp một đồng nghiệp, một người hàng xóm mới chưa? Bạn hãy thử bắt đầu với chủ đề sở thích cá nhân. Bạn có thấy thú vị khi lắng nghe một người nói về chuyến đi leo núi hồi cuối tuần của họ, hay một buổi nhảy dù “bay trên mùa vàng” vừa rồi không? Sở thích cá nhân không những tạo nên một buổi nói chuyện thú vị, mà còn đem đến cho bạn những giá trị kết nối với người khác.


Trong một buổi hướng dẫn về Business Etiquette (Nghi thức Giao tế trong Kinh doanh), khi nói đến sự liên quan giữa sở thích cá nhân với sức thu hút trong giao tiếp, tôi đã hỏi các học sinh của mình rằng sở thích cá nhân của các bạn là gì? Im lặng. Sau đó lác đác một vài cánh tay đưa lên.


Một số người tỏ vẻ ngạc nhiên, bạn Vân Anh chia sẻ rằng “Em quá bận với công việc văn phòng mỗi ngày, sau đó là đưa đón bọn trẻ từ lớp piano đến lớp học nhảy, nấu cơm tối, dọn dẹp nhà cửa cho sạch sẽ, kiểm tra email, kiểm tra bài tập của con, gần như kiệt sức khi đặt lưng xuống giường, hỏi lấy đâu ra thời giờ để giải trí hay theo đuổi một sở thích cá nhân?” Và bạn bật khóc.


Tôi nghĩ Vân Anh không đơn độc khi chia sẻ điều này. Càng ngày người ta càng bận rộn với nhiều dự án, để tồn tại và cho tương lai, của bản thân và của người thân. Chưa kể thời gian tham gia mạng xã hội, lướt Facebook, kiểm tra email, xem phim trên Netflix. Chẳng còn ai quan tâm đến sở thích cá nhân của mình nữa. Có người còn cho rằng bạn thực sự phù phiếm khi theo đuổi một sở thích cá nhân mà không mang lại hiệu quả kinh tế gì.


Có lẽ “Tôi bận quá!” đã trở thành một huy hiệu danh dự hoặc là một tấm huy chương FOMO (fear of missing out – chứng sợ bị bỏ rơi).


Sở thích cá nhân càng quan trọng với những người làm kinh doanh


Mỗi người đều có 24 tiếng một ngày, vậy bạn có bao giờ thắc mắc những người hạnh phúc và thành công đã làm gì trong suốt 24 tiếng đó?


Có những người bẩm sinh đã có các kỹ năng như học ngoại ngữ, vẽ đẹp, hoạt ngôn…Một số kỹ năng đến từ trải nghiệm, và một số khác đến từ thế giới bên ngoài đời sống hay công việc của bạn. Tin vui là đa số kỹ năng đều có thể đạt được bằng sự rèn luyện và nỗ lực.


Bạn đọc trên báo thấy các doanh nhân thường tìm đến các sở thích cá nhân vào mỗi cuối tuần như một cách để họ xả bớt áp lực, tái tạo sức lao động và có niềm vui sống. Vậy bạn có biết sở thích cá nhân còn giúp bạn gia tăng khả năng lãnh đạo không? Những thú vui, sở thích này có thể giúp bạn thêm tính kiên trì, hay đối mặt với những tình huống căng thẳng. Theo một nghiên cứu của các nhà tâm lý học tại đại học San Francisco, việc duy trì một sở thích cá nhân còn giúp một doanh nhân đưa ra các giải pháp liên quan đến công việc. Theo đó, những người thường tham gia các hoạt động sáng tạo sẽ gia tăng khả năng giải quyết vấn đề từ 15%-30%. Nghiên cứu cũng cho thấy các nhân viên có các hoạt động sáng tạo hay theo đuổi một sở thích cá nhân, sẽ có xu hướng hợp tác tốt hơn và giúp đỡ cộng sự nhiều hơn.


Vậy những lợi ích nào của sở thích cá nhân giúp bạn gia tăng khả năng lãnh đạo?


Theo đuổi mục tiêu đến cùng


Hãy lấy môn bóng đá làm ví dụ, nơi bạn phải chịu các thử thách về thể chất và tinh thần.


“Tôi thấy rằng môn bóng đá giúp tôi đối mặt với các thử thách ở nhiều khía cạnh trong cuộc sống, nhất là ở vai trò một doanh nhân. Bóng đá cũng giúp tôi duy trì sự tập trung và khả năng suy nghĩ khi bị áp lực. Thậm chí khi tôi bị đau hay kiệt sức, tôi không thể la lên “Làm ơn ngưng cuộc chơi lại đi, tôi không muốn chơi nữa.” Bóng đá là một trò chơi mang tính đồng đội, ở đó mỗi người nhận một trách nhiệm, cùng phối hợp với những người khác để chiến thắng đối thủ. Tôi sẽ luôn tự động viên mình cố gắng hơn. Tiếp tục cố gắng chơi đến khi kết thúc.


Rèn luyện sự bền bỉ


Dù bạn đã dẫn dắt doanh nghiệp qua hàng chục năm, hay bạn vừa mới khởi nghiệp, thì sự kiên trì bền bỉ sẽ giúp bạn đạt được các mục tiêu ngắn hạn và dài dạn, đưa tổ chức ngày càng phát triển. Chơi một ván cờ, đánh một trận gôn, cắm một bình hoa hay học thực hành Calligraphy mỗi ngày, tất cả các sở thích đó đều cần sự bền bỉ rèn luyện theo năm tháng.


Mỗi người là một bản thể duy nhất với dấu ấn cá nhân sâu đậm. Việc bạn theo đuổi bền bỉ một sở thích cá nhân không những giúp bạn giải toả được áp lực công việc, mà bằng sự bền bỉ của mình, bạn gom góp những niềm vui nhỏ để đi đến thành công và hạnh phúc lâu dài.


Tăng khả năng sắp xếp thời gian hiệu quả


Định luật Parkinson chỉ ra rằng, một nhiệm vụ đơn giản được thực hiện trong khoản thời gian dài cũng trở nên phức tạp và tiêu tốn hết khoảng thời gian đó. Khi thời gian phân bổ cho nhiệm vụ đó ngắn hơn, nó cũng được giải quyết đơn giản và dễ dàng hơn, tức deadline càng dài, bạn càng có xu hướng trì hoãn. Vì thế, nếu trong buổi tối bạn không lên kế hoạch cần làm gì, thì bạn sẽ thấy mình loay hoay hết việc này tới việc khác, vô cùng bận rộn. Nhưng nếu cũng với số lượng việc đó, mà bạn có buổi hoà nhạc phải đến nghe hay tham gia CLB đọc sách cho con, bạn sẽ phải sắp xếp và làm từng đó khối lượng việc nhà nhanh hơn. Có vẻ như sở thích cá nhân sẽ giúp bạn tạo ra nhiều thời gian hơn bằng cách nâng cao hiệu suất làm việc.


Lấy môn lướt ván làm ví dụ, bạn điều khiển bản thân nhịp nhàng để nương theo nhịp điệu của sóng, gió chỉ với tấm ván. Bạn cũng cần tính đến khả năng va phải những người chơi khác và những trở ngại có thể tác động đến bạn khiến cho trò chơi thêm khó khăn. Việc này cũng không khác gì khi bạn khởi nghiệp bởi vì nếu bạn không học hỏi và luyện tập những kỹ năng cần thiết, bạn sẽ vô cùng vất vả khi gặp trở ngại trên con đường đó. Và kỹ năng quan trọng bạn học được là: xác định một cú nhảy kịp thời và đúng lúc. Khi bạn cưỡi sóng, bạn cũng cần biết lúc nào nên chậm lại, lúc nào nên tăng tốc, cả quan sát sự thay đổi của môi trường xung quanh để tránh gặp nguy hiểm…Và rồi tất cả những khó khăn đó sẽ đem đến trái ngọt khi bạn nghỉ ngơi, tận hưởng niểm vui hoàn thành công việc, tái tạo sức để chuẩn bị một cuộc chinh phục mới.


Giúp bạn thăng hoa trong công việc và cuộc sống


“flow” là trạng thái bạn “phiêu” trong một công việc nào đó, theo nhà tâm lý học Mihaly Csikszentmihalyi. Nếu bạn đã từng “phiêu” trong một một thể thao, một dự án nghệ thuật hoặc một hoạt động hấp dẫn nào đó, tức là bạn đang đắm chìm bản thân trong hoạt động đó, thấy thời gian trôi qua thật nhanh. Sở thích cá nhân thường tạo ra được những khoảnh khắc như vậy.


Sở thích giúp thúc đẩy các kết nối xã hội mới


Vô số nghiên cứu đã chỉ ra rằng kết nối xã hội là một phần quan trọng của hạnh phúc và một cuộc sống có ý nghĩa, và sở thích có khả năng tạo ra những mối quan hệ mới quý giá. Mặc dù sở thích cá nhân là những nỗ lực đơn độc của bạn, song sở thích cá nhân sẽ đưa bạn đến những trải nghiệm mới, gặp gỡ những người mới, và nhiều khi sẽ đem đến những cơ hội mới.


Sở thích khiến bạn trở nên thú vị hơn


Đã bao giờ bạn lúng túng không biết bắt chuyện thế nào khi gặp một đồng nghiệp, một người hàng xóm mới chưa? Bạn hãy thử bắt đầu với chủ đề sở thích cá nhân. Bạn có thấy thú vị khi lắng nghe một người nói về chuyến đi leo núi hồi cuối tuần của họ, hay một buổi nhảy dù “bay trên mùa vàng” vừa rồi không? Sở thích cá nhân không những tạo nên một buổi nói chuyện thú vị, mà còn đem đến cho bạn những giá trị kết nối với người khác. Mọi người thường muốn ở gần những người có đam mê, có óc tò mò, có câu chuyện để kể. Bạn không chỉ cảm thấy cuộc sống của mình thú vị hơn khi có một cuộc sống phong phú và năng động, mà bạn còn truyền cảm hứng cho những người khác nữa.


Sở thích cá nhân giúp bạn đối phó với căng thẳng


Hãy tưởng tượng bạn về nhà sau một tá cuộc họp chẳng đâu vào đâu, sếp bạn lại vừa gọi điện chỉ trích. Bạn bật Tivi, lướt Facebook, nhưng có giải quyết được tận gốc vấn đề không? Cái tôi đang bị tổn thương của bạn chẳng mấy chốc sẽ lên tiếng. Vậy giờ bạn hãy tưởng tượng sau một ngày làm việc bạn đi thẳng đến nơi làm gốm vẽ tay hay một trận bóng đá. Những hoạt động này không chỉ giúp bạn bớt tập trung vào “nỗi đau” hiện tại, mà nó có thể cho bạn thấy một khía cạnh khác trong con người bạn. Công việc không phải là tất cả. Bạn có thể là một nhân viên văn phòng, một cầu thủ bóng đá, một nghệ sĩ làm gốm hay một nghệ nhân Calligraphy. Nói một cách đơn giản là bạn không bỏ hết các quả trứng danh tính của mình vào một rổ.


Nếu bạn có thể dành ra mỗi giờ một ngày hoặc mỗi ngày một tuần cho điều gì đó mà bạn thực sự cảm thấy hứng thú, thì hãy quan sát những điểm tích cực nó mang đến cho công việc và gia đình. Giờ bạn hãy nghĩ đến một điều gì đó mình đã từng yêu thích nhưng phải gác lại để lo cơm áo gạo tiền: đan len, làm vườn, học piano. Hãy thử bắt đầu từ hành động nhỏ nhất, và nhớ là đừng để sự trì hoãn “cho tới khi con lớn, cho tới khi kiếm đủ tiền, cho tới khi tôi nghỉ hưu…”


Bạn có nhiều thời gian hơn bạn nghĩ!


Chú thích ảnh: Tôi trong những ngày đầu học Calligraphy với thầy Đào Huy Hoàng.




38 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Cá tính

bottom of page